Giảng viên hướng dẫn nhiệt huyết và giải Á quân 1 GO GREEN 2022 cho sinh viên ĐH Duy Tân
Đây là cuộc thi dành cho sinh viên toàn cầu, được tổ chức bởi Schneider Electric - tập đoàn tiên phong trên thế giới về Quản lý Năng lượng và Tự động hóa. Kết thúc vòng Chung kết Quốc gia năm nay, Ban tổ chức đã trao các giải: Quán quân Việt Nam: ĐH VinUni, Á quân 1 Việt Nam: ĐH Duy Tân, Á quân 2 Việt Nam: ĐH Bách khoa Hà Nội.
Dự án tiềm năng
Hiện nay, hầu hết các Trạm Quan trắc đại dương đều sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên nguồn năng lượng này sẽ không đủ sử dụng ở những thời điểm như ban đêm hay khi trời mưa kéo dài. Trong khi đó, Công nghệ Truyền dữ liệu 3G và GPRS mà các trạm quan trắc đang sử dụng lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Việc quan trắc đại dương cần được thực hiện thường xuyên bởi những thảm họa môi trường từ biển luôn có thể diễn ra bất ngờ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và ngư dân miền biển. Trước thực trạng đó, E.E.E.E Team của ĐH Duy Tân đã nghiên cứu và hoàn thiện ý tưởng dự án "Trạm quan trắc môi trường biển sử dụng năng lượng sóng, mặt trời và gió".
E.E.E.E Team gồm các thành viên: Phan Văn Truyền: K-25 ngành Điện-Điện tử chuẩn PNU, Bùi Thị Linh: K-25 ngành Quản trị Du lịch & Khách sạn chương trình ADP, Nguyễn Trung Kiên: K-25 ngành Điện-Điện tử chuẩn PNU, Cao Văn Trung: K-27 ngành Cơ Điện tử chuẩn PNU.
Bạn Văn Truyền cho biết: "Tên của nhóm được viết tắt của 4 từ: Environment - Energy - Electrical - Electronic, thể hiện các yếu tố môi trường, năng lượng, điện, điện tử trong cùng một sản phẩm. Mục tiêu ban đầu của tất cả thành viên là thử sức bản thân, học hỏi, phát triển thêm kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm,…
Khi được chọn đi sâu hơn vào các vòng thi trong, chúng em thực sự rất vui mừng. Đến với Vòng Chung kết, em cảm thấy khá lo lắng, hồi hộp, và rồi cảm xúc như vỡ òa khi được xướng tên ở giải Á quân 1 Việt Nam. Đây quả thực là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ đối với em cũng như các bạn trong nhóm".
Nhóm đã đưa ra một giải pháp nhằm tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sạch để tạo ra điện. Đó là tận dụng chuyển động của sóng biển và gió để làm quay các tuabin kết hợp với các tấm pin mặt trời. Nguồn điện này sẽ sản xuất liên tục, không bị gián đoạn bất kể ngày đêm hay mưa nắng. Ngoài ra, trạm quan trắc sẽ sử dụng công nghệ truyền dữ liệu LoRa, công nghệ này có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn nhiều so với 3G và GPRS.
"Nhóm đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí từ ĐH Duy Tân khi mua các thiết bị vật tư để tiến hành nghiên cứu và triển khai dự án tại các phòng Open Lab của Khoa Điện - Điện tử. Đặc biệt, chúng em cũng xin cảm ơn thầy Nguyễn Phạm Công Đức, là người hướng dẫn tận tình, đã luôn giúp nhóm vượt qua mọi khó khăn trong quá trình thực hiện để hoàn thành tiến độ nhanh nhất", bạn Bùi Thị Linh chia sẻ.
Giảng viên trẻ với đầy bầu nhiệt huyết:
ThS Nguyễn Phạm Công Đức, người hướng dẫn trực tiếp cho dự án, hiện là giảng viên kiêm nhiệm Khoa Điện - Điện tử, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu Trẻ & Khởi nghiệp của khoa. Qua 7 năm công tác tại ĐH Duy Tân, ThS Công Đức đã hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên nghiên cứu khoa học và tham gia các cuộc thi, đoạt được các giải thưởng lớn.
Nói về sinh viên ĐH Duy Tân và cuộc thi Go Green năm nay, ThS Nguyễn Phạm Công Đức cho hay: "Hầu hết sinh viên tôi hướng dẫn đều học ở ngành Cơ điện tử PNU và Điện - Điện tử PNU. Sinh viên được tiếp cận theo chương trình quốc tế của ĐH Purdue nên khi bắt tay làm dự án với các bạn sinh viên khối kinh tế (ADP) của Viện Đào tạo Quốc tế (IS) thì rất thuận lợi.
Nhờ được tiếp cận với mô hình CDIO và PBL trong các môn học đồ án nên các bạn sinh viên rất chủ động khi làm việc nhóm, giúp dự án luôn đạt được kết quả hơn mong đợi".
Thành quả Sản phẩm với nhiều tính năng vượt trội
So với các sản phẩm khác tương tự, phiên bản "Trạm quan trắc môi trường biển sử dụng năng lượng sóng, mặt trời và gió" có nhiều tính năng tốt hơn trong việc: Tiết kiệm năng lượng, Tiết kiệm chi phí cho nhà điều hành mạng…
Những yếu tố vượt trội mang giá trị thực tiễn cao giúp sản phẩm của sinh viên Duy Tân gây ấn tượng mạnh với Ban Giám khảo của Tập đoàn Schneider Electric. Trạm quan trắc môi trường biển dự trù sẽ cung cấp dữ liệu tức thời nếu môi trường biển bị ô nhiễm, giúp chính quyền theo dõi tình trạng, chất lượng nước của môi trường biển, và đưa ra giải pháp kịp thời. Ngư dân có thể yên tâm làm việc và người tiêu dùng cũng an tâm khi biết thực phẩm mình sử dụng là sạch sẽ và an toàn.
Sưu tầm: TS. Trần Thuận Hoàng
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
ĐH Duy Tân chính thức đào tạo trình độ Tiến sĩ 3 ngành Vật lý năm 2022
Đại học (ĐH) Duy Tân đã chính thức được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo trình độ Tiến ...
Energy-Efficient Unmanned Aerial Vehicle (UAV) Surveillance Utilizing Artificial Intelligence (AI)
Recently, unmanned aerial vehicles (UAVs) enhance connectivity and ...
150 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại “Tuần lễ Việc làm DTU 2022”
(NLĐO) – Diễn ra từ ngày 22 đến hết ngày 26-6, “Tuần lễ Việc làm DTU 2022” sẽ ...